Tràn dịch khớp gối

Liên hệ

Dịch trong ổ khớp là thành phần đặc biệt có tác dụng bôi trơn và giảm ma sát cũng như nuôi dưỡng các sụn trong khớp. Tuy nhiên, đôi lúc lượng dịch trong khớp gia tăng quá mức sẽ dẫn đến tình trạng tràn dịch khớp gối gây hạn chế vận động hay thậm chí phá hủy khớp. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm hiện tượng tràn dịch rất cần thiết để điều trị sớm và phòng ngừa các biến chứng.

1. TRÀN DỊCH KHỚP GỐI LÀ GÌ?

Tràn dịch khớp gối là tình trạng gia tăng lượng dịch bất thường trong khớp gối sau chấn thương hoặc các nguyên nhân bất thường trong khớp làm hạn chế vận động khớp gối. Mặc dù không phải là một bệnh khó chữa nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.

2. NGUYÊN NHÂN:

  • Tràn dịch sau chấn thương: Các loại chấn thương sau khi chơi thể thao hay vận động quá sức hoặc tai nạn lao động, sinh hoạt khiến sụn khớp bị tổn thương, giãn/ đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau hay rách sụn chêmgãy xương...
  • Bệnh khớp mạn tính: thoái hóa khớp, gút, giả gút, viêm khớp dạng thấp, viêm màng hoạt dịch thể lông nốt sắc tố,...
  • Nhiễm khuẩn: tụ cầu vàng, liên cầu, lậu cầu, lao…
  • Ngoài ra còn do virus hoặc vi nấm.

3. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT:

Dấu hiệu cơ bản nhất để phát hiện tràn dịch khớp gối là:

  • Khớp gối phù nề to, khi so sánh 2 bên khớp gối có thể nhận ra sự lớn hơn bất thường của bên tràn dịch.
  • Có thể kèm theo sưng tấy đỏ, nóng và đau.
  • Cảm giác nặng nề bên khớp bị tràn dịch và hạn chế vận động khi đi lại hoặc khó gấp duỗi.
  • Theo thời gian nếu không được can thiệp thì các cơ xung quanh sẽ yếu dần khiến khớp ngày càng không vững cùng với cơn đau dai dẳng.

Tuy nhiên để xác định chính xác tình trạng tràn dịch khớp gối thì một số xét nghiệm có thể hỗ trợ đắc lực như:

  • Siêu âm khớp gối: Xác định có tràn dịch khớp gối và số lượng dịch, phát hiện tổn thương dây chằng và sụn kèm theo.
  • Chụp X-quang: Phát hiện các vấn đề như gãy xương, trật khớp, thoái hóa khớp hoặc bệnh lý u xương.
  • Chụp MRI: Dùng để phát hiện kỹ hơn bất thường về xương và cả phần khớp như gân, dây chằng và các sụn.
  • Chọc hút dịch khớp: Việc hút dịch khớp này sẽ giúp xác định bản chất của dịch trong khớp, từ đó chẩn đoán được nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh.
  • Công thức máu: Chủ yếu để xác định tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh lý khớp viêm.

4. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ:

Việc lựa chọn phương pháp điều trị tràn dịch khớp gối phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ và giai đoạn của bệnh nhưng thường có các phương pháp phổ biến sau:

  • Điều trị bằng thuốc: Bao gồm thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc kháng sinh khi có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, thuốc ức chế miễn dịch khi bị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, quá trình sử dụng thuốc cần được theo dõi nghiêm ngặt bởi bác sĩ điều trị, đặc biệt là đối với thuốc có tác dụng phụ như corticoid.
  • Điều trị xâm lấn: 
  • Chọc hút dịch khớp: Việc lượng dịch tồn đọng trong khớp không chỉ gây đau và hạn chế vận động mà còn làm bệnh tiến triển nặng gây phá hủy khớp, vì vậy việc chọc hút sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng cho bệnh nhân.
  • Tiêm corticoid: giảm viêm mạnh, có hiệu quả tốt, tuy nhiên tiêm nhiều lần gây phá hủy sụn khớp. Chống chỉ định: viêm khớp nhiễm khuẩn, virus,lao.
  • Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): giảm viêm mạnh, chống tràn dịch tái phát, có hiệu quả rất tốt; đồng thời rất an toàn, tiêm nhiều lần không gây tác dụng phụ cho khớp. Chống chỉ định: viêm khớp nhiễm khuẩn, virus, lao, bệnh tự miễn.

5. TỰ CHĂM SÓC KHI BỊ TRÀN DỊCH KHỚP GỐI: 

Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, tránh đi lại nhiều nhằm giảm thiểu trọng tải mà khớp gối phải chịu đựng, đồng thời chườm đá và kê cao chân sẽ giúp tuần hoàn phía chi dưới được thuận lợi và giảm sưng nề

Ngoài ra, để phát hiện và điều trị kịp thời tràn dịch khớp gối bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Thăm khám định kỳ để phát hiện các bệnh lý mạn tính như thoái hóa hay viêm khớp dạng thấp, gout
  • Điều trị kịp thời các nguyên nhân gây tràn dịch để tránh phá hủy sụn khớp.

Hơn hết, cần phải nhớ rằng mọi biện pháp điều trị triệu chứng chỉ có thể làm giảm biểu hiện bệnh, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế sớm nhất có thể khi phát hiện các biểu hiện đầu tiên. Việc điều trị tận gốc nguyên nhân mới giúp cho bệnh không tái phát và tiến triển phá hủy khớp.

Trên đây là bài tổng quan giới thiệu về bệnh Tràn dịch khớp gối và những biến chứng nguy hiểm và các phương pháp điều trị. Quý Bệnh nhân liên hệ trực tiếp với Bs. Thông để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng tàn phế do tràn dịch khớp.

PHÒNG BỆNH HƠN CHỮA BỆNH - CHỮA BỆNH SỚM HƠN CHỮA BỆNH MUỘN.

CHỮA BỆNH MUỘN PHẢI PHẪU THUẬT ĐAU ĐỚN VÀ TỐN KÉM.

 

Hỏi & Đáp