Viên cân gan bàn chân

Liên hệ

Viêm cân gan bàn chân là tình trạng thường xuất hiện ở tuổi trung niên. Tuy vậy, một số trường hợp có thể xảy ra với người trẻ tuổi, người đi bộ nhiều, đứng lâu hay có thói quen đi chân đất, mang giày dép có phần đế quá cứng, người béo phì, tập thể dục quá mức… Nhận biết sớm triệu chứng bệnh sẽ giúp bạn có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

BỆNH VIÊM CÂN GAN BÀN CHÂN LÀ GÌ?

Viêm cân gan bàn chân (hay viêm gân gan bàn chân) là tình trạng viêm của cân bàn chân, gây đau gót chân. Tình trạng này tác động tiêu cực tới sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Đây là bệnh thường gặp, đặc biệt ở nam giới trung niên, vận động viên và người lao động nặng. Phần lớn trường hợp viêm có gai xương kèm theo.

Bệnh nhân thường bị đau nhiều ở gót chân, đặc biệt là lúc sáng sớm mới ngủ dậy. Việc điều trị cần được thực hiện đúng cách, kịp thời để ngăn ngừa bệnh chuyển sang mạn tính, tái phát nhiều lần, ảnh hưởng xấu tới dáng đi và chất lượng cuộc sống.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT

  • Đau lòng bàn chân: Các cơn đau xuất hiện nhiều ở phần gót chân, có thể đau buốt hoặc đau âm ỉ. Người bệnh thường đau lúc sáng sớm vì bàn chân giữ ở tư thế gấp về phía gan bàn chân trong suốt một đêm, khiến cân gan chân bị co ngắn lại. Lúc thức giấc, người bệnh đặt bước chân đầu tiên xuống đất, khiến cân gan chân bị kéo căng, gây đau nhiều. Trong các bước đi kế tiếp, cảm giác đau sẽ giảm bớt dần tới khi không còn thấy đau nữa. Tuy vậy, triệu chứng này có khả năng xuất hiện lại trong ngày do đi lại nhiều hoặc đứng quá lâu. Các cơn đau có thể tái đi tái lại nhiều lần, lâu dài xuất hiện trong lúc nghỉ ngơi, cảm giác đau lan tỏa gân hết lòng bàn chân.
  • Sưng bầm tím ở gan bàn chân.

NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân gây bệnh gồm các tác nhân tác động gây chấn thương lên cơ gan bàn chân. Tổn thương khiến gân cơ bàn chân bị kéo căng, mất tính đàn hồi, giảm khả năng chịu lực.

Ngoài ra, áp lực cơ thể do di chuyển nhiều, đứng lâu hay mang giày dép có phần đế quá cứng trong thời gian dài cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm gân ở bàn chân.

VIÊM CÂN GAN BÀN CHÂN CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Nếu trì hoãn điều trị, viêm gân gan chân có thể chuyển sang mạn tính, gây cản trở lớn trong sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Việc thay đổi dáng đi do các cơn đau gót chân có thể dẫn tới những vấn đề về chân, đầu gối, hông, lưng.

CÁCH CHỮA VIÊM CÂN GAN BÀN CHÂN

Điều trị bằng thuốc

Bác sĩ thường ưu tiên chỉ định các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong điều trị viêm cân gan bàn chân. Tác dụng phụ của thuốc là viêm loét dạ dày, biến cố tim mạch – thận ở người có bệnh nền và người cao tuổi.

Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Liệu pháp này là thành phẩm thu được từ máu của người bệnh (hàm lượng tiểu cầu và những yếu tố phân tử sinh học đều cao hơn nhiều lần so với mức bình thường). Tiểu cầu giải phóng những yếu tố tăng trưởng và những phân tử sinh học để đẩy nhanh tốc độ và khả năng phục hồi tại chỗ của các mô tế bào. Đây là quá trình tự nhiên của cơ thể, xảy ra khi cơ thể có tổn thương.

Liệu pháp này cho phép khu vực tổn thương được nhận hàm lượng lớn những yếu tố tăng trưởng để tái tạo tổ chức tổn thương. PRP là liệu pháp an toàn vì sử dụng máu tự thân của người bệnh. 100% thành phẩm PRP được thu thập từ chính cơ thể của người bệnh. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm bệnh, không gây dị ứng, không lo nguy cơ không tương thích.

Vật lý trị liệu

Sử dụng sóng ngắn, sóng xung kích, laser có thể làm giảm viêm, tuy nhiên điều trị cần thời gian dài và tốn kém.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng khi điều trị viêm cân gan bàn chân. Phương pháp này chỉ được áp dụng cho các trường hợp đau dữ dội hoặc kéo dài trên 6 tháng.

Một số rủi ro của phẫu thuật là có thể dẫn tới tình trạng đau mạn tính và tổn thương dây thần kinh. Vì thế, bác sĩ chỉ áp dụng phương pháp này khi điều trị nội khoa thất bại.

PHÒNG NGỪA

Thay đổi lối sống sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và phòng ngừa bệnh diễn tiến kéo dài. Bạn cần lưu ý:

  • Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tình trạng thừa cân, béo phì vì sẽ làm gia tăng áp lực lên bàn chân.
  • Chọn giày phù hợp, có độ cao vừa phải, miếng lót giày dày, nâng đỡ tốt bàn chân; hạn chế mang giày cao gót.
  • Hạn chế đứng trên nền đất cứng hay đi bộ nhiều để giảm bớt áp lực cho các cơ ở bàn chân.
  • Xoa bóp chân thường xuyên với người phải làm công việc yêu cầu đứng lâu hay đi nhiều.
  • Khởi động kỹ trước khi vào bài tập chính, chơi thể thao. Những người chơi các môn thể thao gây áp lực lớn lên vòm bàn chân như aerobic, ba-lê, chạy đường dài… nên đặc biệt lưu ý việc khởi động. Ngoài ra, bạn nên hạn chế tập luyện trên mặt sàn cứng và gồ ghề, đồng thời cần thực hiện đúng kỹ thuật để hạn chế chấn thương.
  • Khi đứng lên, đi lại hay thực hiện những hoạt động hằng ngày nên đảm bảo trọng lượng và lực tác động của cơ thể được phân bố đều lên cả hai chân.
  • Tránh tình trạng lặp đi lặp lại một động tác tác động nhiều lên bàn chân vì có thể tăng áp lực quá lớn, dẫn tới tình trạng rách và viêm cơ.

Hỏi & Đáp